https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!

Join the forum, it's quick and easy

https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!
https://svlwcd.forumvi.com/
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Luật Trọng tài thương mại 2010

Go down

Luật Trọng tài thương mại 2010 Empty Luật Trọng tài thương mại 2010

Bài gửi  thuong2dt Sun Sep 04, 2011 1:33 pm

Luật trọng tài thương mại năm 2010

BRANDCO LAWFIRM - Ngày 29/06/2010, Quốc hội đã thông qua Luật Trọng tài thương mại. Vấn đề này lẽ ra đã phải được thực hiện từ rất lâu bởi lẽ đây là một phương thức giải quyết khá tiến bộ, hiệu quả và ngày càng được ưa chuộng tại các nước phát triển trên thế giới. Tuy vậy, Luật mới ban hành có rất nhiều điểm tiến bộ và khắc phục được nhiều điểm hạn chế của Pháp lệnh trọng tài trước đây. Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2011, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng luật mới sẽ làm mới cơ chế giải quyết tranh chấp và thực sự giúp các nhà kinh doanh giảm bớt thời gian, công sức, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp của mình.

- Ngày ban hành: 29/06/2010
- Ngày có hiệu lực: 01/01/2011
- Nội dung:
1. Phạm vi áp dụng:
Luật này quy định các vấn đề về trọng tài thương mại bao gồm:
• Thẩm quyền, hình thức, tổ chức, trọng tài viên.
• Trình tự, thủ tục.
• Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.
• Thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài.
• Tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam.
• Thi hành phán quyết trọng tài.
2. Quy định chung:
a. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài:
• Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
• Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
• Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
b. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài
• Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội.
• Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
• Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
• Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
• Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
c. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận này có thể trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết, mất năng lực hành vi hoặc tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia tách hoặc chuyển đổi hình thức thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với cá nhân thừa kế, người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc tổ chức tiếp nhận quyền, nghĩa vụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trong trường hợp các bên đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được.
d. Xác định Toà án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài
Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án cấp tỉnh được các bên lựa chọn.
Trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh được xác định như sau:
• Đối với việc chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bị đơn . Trường hợp có nhiều bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó.
• Trường hợp bị đơn có nơi cư trú hoặc trụ sở ở nước ngoài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn;
• Đối với việc thay đổi Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp;
• Đối với yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định;
• Đối với yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có chứng cứ cần được thu thập;
• Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;
• Đối với việc triệu tập người làm chứng thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của người làm chứng;
• Đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài.

e. Cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
• Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi hội đồng trọng tài ra phán quyết.
• Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng.
f. Quy định khác
Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.
Việc sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài quy định như sau:
• Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng là tiếng việt.
• Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì do Hội đồng trọng tài quyết định.
• Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm giải quyết tranh chấp, nếu không thỏa thuận được thì do Hội đồng trọng tài quyết định.
Các thông báo, tài liệu do Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi được coi là đã nhận được vào ngày mà các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận hoặc được coi là đã nhận nếu thông báo, tài liệu đó đã được gửi đến đúng địa chỉ do các bên cung cấp.
Thời hạn nhận thông báo, tài liệu được tính kể từ ngày tiếp theo ngày được coi là đã nhận thông báo, tài liệu. Nếu ngày tiếp theo là ngày lễ hoặc ngày nghỉ theo quy định của nước, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu đã được nhận thì thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn này là ngày lễ hoặc ngày nghỉ theo quy định của nước, vùng lãnh thổ nơi mà thông báo, tài liệu được nhận thì ngày hết hạn sẽ là cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo.
Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án.

Luật áp dụng giải quyết tranh chấp
• Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
• Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
• Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

3. Quy định cụ thể
a. Thỏa thuận trọng tài
Hình thức:
Phải bằng văn bản, có thể là điều khoản trong hợp đồng hoặc văn bản độc lập.
Các trường hợp được coi là bằng văn bản:
• Thỏa thuận qua telegram, telex, fax, thư điện tử, hình thức khác theo quy định của pháp luật.
• Trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên.
• Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên, hoặc cơ quan có thẩm quyền ghi chép bằng văn bản theo yêu cầu của các bên.
• Hợp đồng, điều lệ công ty, chứng từ hoặc tài liệu khác có dẫn chiếu.
• Một bên đưa ra trong đơn kiện, bản tự bảo vệ mà bên kia không phủ nhận.

Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận

Thoả thuận trọng tài vô hiệu
• Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.
• Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
• Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
• Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
• Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
• Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.

b. Trọng tài viên
Tiêu chuẩn trọng tài viên:
• Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
• Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
• Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Những người không được làm trọng tài viên:
• Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
• Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Trọng tài viên phải giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

c. Trung tâm trọng tài.

Điều kiện thành lập:
• Khi có ít nhất 5 sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là trọng tài viên đề nghị và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập.
• Thời hạn được cấp giấy phép là 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
• Sau khi có giấy phép thành lập, trong thời hạn 30 ngày, Trung tâm trọng tài phải thông báo về việc thành lập với Sở Tư pháp nơi trung tâm trọng tài đặt trụ sở để được cấp giấy đăng ký hoạt động và phải công bố việc thành lập trên 3 số báo liên tiếp của trung ương hoặc địa phương.

Hoạt động của Trung tâm trọng tài chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
Các trường hợp được quy định tại điều lệ của Trung tâm trọng tài
Bị thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động.

d. Khởi kiện
Đơn khởi kiện:
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Nếu giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn. Nội dung đơn khởi kiện đã được quy định rõ tại Điều 30 của Luật.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan và chứng từ nộp án phí.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được các giấy tờ này, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao của các giấy tờ đó.

Thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Phí trọng tài
• Do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định.
• Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

Bản tự bảo vệ
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu của nguyên đơn, bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ đến Trung tâm trọng tài hoặc nếu giải quyết bằng trọng tài vụ việc thì gửi tới cho nguyên đơn, Trọng tài viên và kèm theo tên, địa chỉ của Trọng tài viên mà mình lựa chọn.
Trường hợp bị đơn không nộp thì quá trình giải quyết tranh chấp vẫn được tiến hành.

Đơn kiện lại của bị đơn:
Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Khi đó, nguyên đơn cũng phải nộp bản tự bảo vệ như quy định như trên.
Trước khi Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút đơn khởi kiện, đơn kiện lại.
Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có thể sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn kiện lại hoặc bản tự bảo vệ. Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.
Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp.
Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.

Hội đồng trọng tài
• Thành phần
ü Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
ü Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
• Thành lập Hội đồng trọng tài:
ü Thành lập Hội đồng trọng tài tại trung tâm trọng tài:
* Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, bị đơn hoặc các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu không, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định trên , Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
* Kể từ ngày chọn được Trọng tài viên, trong thời hạn 15 ngày, các Trọng tài viên bầu một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Nếu không, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn trên, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
* Trường hợp các bên thoả thuận do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện thì theo yêu cầu của một trong các bên và trong thời hạn 15 ngày, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất.

ü Thành lập Hội đồng trọng tài theo vụ việc:
* Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn hoặc các bị đơn phải thống nhất chọn được hoặc đề nghị Chủ tịch trung tâm Trọng tài chỉ định trọng tài viên cho mình. Hết thời hạn này mà bị đơn không chọn được thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên.
* Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
* Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thoả thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
* Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một thẩm phán chỉ định trọng tài viên trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Thay đổi trọng tài viên:
Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây:
• Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
• Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
• Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;
• Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.
• Hội đồng trọng tài, Chủ tịch trung tâm trọng tài, Tòa án có thẩm quyền quyết định việc thay đổi.
Trường hợp các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài, hoặc chỉ định một trọng tài viên cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa hoặc trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp , thì các bên có thể thỏa thuận lựa chọn lại hoặc khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
Các bên có thể yêu cầu Tòa án xem xét lại các quyết định trên của Hội đồng trọng tài đồng thời thông báo cho Hội đồng trọng tài biết việc này. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án phải xem xét, quyết định. Quyết đinh là quyết định cuối cùng. Trong khi Tòa giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.

Hội đồng trọng tài có quyền
• Gặp, trao đổi với các bên để làm sáng tỏ nội dung liên quan
• Quyền yêu cầu các bên, người làm chứng cung cấp chứng cứ.
• Trưng cầu giám định, định giá tài sản, tham vấn ý kiến của chuyên gia. Phí giám định, định giá do bên yêu cầu giám định, định giá tạm ứng hoặc do Hội đồng trọng tài phân bố.
• Yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp.
Trường hợp Hội đồng trọng tài, một trong các bên đã áp dụng hết các biện pháp mà không thể thu thập chứng cứ thì có thể gửi văn bản đề nghị Tòa án thu thập chứng cứ. Trong thời hạn 32 ngày làm việc, Tòa án phải thông báo cho Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu về việc thu thập chứng cứ.
Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài
Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận yêu cầu, Thẩm phán được phân công phải ra quyết định triệu tập người làm chứng. Tòa án gửi quyết định này cho Hội đồng trọng tài và Viện kiểm sát cùng cấp.

e. Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
• Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
• Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
• Kê biên tài sản đang tranh chấp;
• Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
• Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
• Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Nếu đã có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng mà còn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng thì Hội đồng trọng tài phải từ chối. Hội đồng trọng tài có quyền buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện nghĩa vụ bảo đảm tài chính.
Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
• Bên yêu cầu phải làm đơn gửi đến Hội đồng trọng tài kèm theo chứng cứ chứng minh việc yêu cầu là có cơ sở.
• Bên yêu cầu phải có một khoản ký quỹ gửi vào ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định
• Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn và bên yêu cầu đã ký quỹ Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
• Theo yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trường hợp hủy bỏ được áp dụng khi:
ü Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;
ü Bên phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
ü Nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của pháp luật.
• Quyết định hủy bỏ phải được gửi ngay cho các bên và cho cơ quan thi hành án dân sự.
Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Trong thời hạn 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu Thẩm phán được phân công phải xem xét, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.


f. Phiên họp giải quyết tranh chấp.
Thời gian và địa điểm mở phiên họp do Hội đồng trọng tài quyết định. Giấy triệu tập tham dự phiên họp phải được gửi cho các bên chậmnhất 30 ngày trước ngày mở phiên họp.

Thành phần, thủ tục phiên họp:
• Phiên họp được tiến hành không công khai.
• Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện của mình tham dự phiên họp.
• Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
• Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.

Việc vắng mặt của các bên:
Nguyên đơn đã được triệu tập tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì bị coi là đã rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết tranh chấp nếu bị đơn có yêu cầu hoặc có đơn kiện lại.
Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.

Hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp
Khi có lý do chính đáng, một trong các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoãn phiên họp. Yêu cầu phải được gửi bằng văn bản và gửi đến Hội đồng trọng tài chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp. Thời hạn hoãn do Hội đồng trọng tài quyết định.

Hòa giải, công nhận hòa giải thành.
Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải, khi các bên thỏa thuận được với nhau thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

Đình chỉ giải quyết tranh chấp khi:
• Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
• Nguyên đơn hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;
• Nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc được coi là đã rút đơn khởi kiện, trừ trường hợp bị đơn yêu cầu tiếp tục giải quyết tranh chấp;
• Các bên thoả thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp;
• Tòa án đã quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được.
Khi có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, các bên không có quyền khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết lại vụ tranh chấp đó nếu việc khởi kiện vụ tranh chấp sau không có gì khác với vụ tranh chấp trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Phán quyết trọng tài
• Nguyên tắc ra phán quyết:
ü Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
ü Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
• Phán quyết phải đượclập thành văn bản, được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Phán quyết được gửi cho các bên ngay sau khi ban hành.
• Khi có Trọng tài viên không ký tên vào phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực.
• Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Các bên có thể yêu cầu Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết đăng ký phán quyết này.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết, một trong các bên có quyền yêu Hội đồng trọng tài sửa chữa những lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu; yêu cầu giải thích về điểm cụ thể hoặc nội dung của phán quyết; yêu cầu Hội đồng trọng tài ra phán quyết bổ sung đối với những yêu cầu được trình bày trong quá trình tố tụng nhưng không được ghi trong phán quyết.

g. Thi hành phán quyết trọng tài
• Nhà nước khuyến khích các bên tự thi hành phán quyết trọng tài.
• Hết thời hạn thi hành phán quyết mà các bên không tự nguyện và cũng không có yêu cầu hủy thì bên được thi hành phán quyết có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết. Đối với phán quyết của trọng tài vụ việc có thể yêu cầu ngay khi phán quyết được đăng ký.

h. Hủy phán quyết của trọng tài.
Phán quyết trọng tài bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
• Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
• Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này;
• Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ;
• Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài;
• Các trường hợp này, bên yêu cầu hủy phán quyết có nghĩa vụ chứng minh.
• Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
• Tòa án có trách nhiệm chủ động xác minh
Việc yêu cầu hủy phán quyết chỉ được chấp nhận trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được phán quyết.
Trình tự, thủ tục hủy phán quyết
• Sau khi nhận được đơn, Tòa án phải thông báo ngay cho trung tâm trọng tài hoặc các trọng tài viên, các bên tranh chấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
• Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Chánh án Toà án chỉ định một Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm ba Thẩm phán, trong đó có một Thẩm phán làm chủ tọa theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
• Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được chỉ định, Hội đồng xét đơn yêu cầu phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu. Tòa án phải chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu trong thời hạn 07 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp để tham dự phiên họp của Tòa án xét đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Viện kiểm sát phải gửi trả lại hồ sơ cho Tòa án.
Thành phần tham dự:
• Các bên tranh chấp
• Luật sư của các bên (nếu có)
• Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp một trong các bên yêu cầu Hội đồng xét đơn vắng mặt hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận thì Hội đồng vẫn tiến hành xét đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài.
Hội đồng xét đơn yêu cầu có quyền ra quyết định huỷ hoặc không huỷ phán quyết trọng tài. Trong trường hợp bên yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài rút đơn hoặc đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không được Hội đồng chấp thuận thì Hội đồng ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu.
Theo yêu cầu của một bên và xét thấy phù hợp, Hội đồng xét đơn yêu cầu có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục sai sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài. Hội đồng trọng tài phải thông báo cho Tòa án biết về việc khắc phục sai sót tố tụng.
Trường hợp Hội đồng trọng tài không tiến hành khắc phục sai sót tố tụng thì Hội đồng tiếp tục xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu ra quyết định hủy phán quyết trọng tài, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp Hội đồng xét đơn yêu cầu không hủy phán quyết trọng tài thì phán quyết trọng tài được thi hành.
Trong mọi trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Quyết định của Toà án là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành.

i. Tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Điều kiện hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Tổ chức trọng tài nước ngoài đã được thành lập và đang hoạt động hợp pháp tại nước ngoài, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được phép hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật này.

Tổ chức trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:
• Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài.
• Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài.

Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
• Tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hoạt động trọng tài của tổ chức mình tại Việt Nam.
• Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
• Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
• Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
• Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
• Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
• Không được thực hiện hoạt động trọng tài tại Việt Nam.
• Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến, quảng bá hoạt động trọng tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.
• Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện.
• Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Văn phòng đại diện với Sở Tư pháp nơi Văn phòng đại diện đăng ký hoạt động

thuong2dt

Tổng số bài gửi : 26
Join date : 16/02/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết