https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!

Join the forum, it's quick and easy

https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!
https://svlwcd.forumvi.com/
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật

Go down

Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật Empty Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật

Bài gửi  Admin Tue Apr 05, 2011 8:43 pm

Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật

Nguyễn Trần Bạt
Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group

Ảnh hưởng của văn hóa đối với pháp luật Anh_huong_cua_van_hoa_doi_voi_phap_luat
Văn hóa có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật. Văn hóa chính là cuộc sống, do đó, việc xây dựng pháp luật, theo lẽ tự nhiên, phải dựa trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là pháp luật phải có khả năng biến thành văn hóa để điều chỉnh cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều nơi trên thế giới, hệ thống pháp luật tỏ ra không tương thích với cuộc sống. Phải chăng yếu tố văn hóa, ở những nơi
đó, đã bị tách rời khỏi pháp luật hay bản thân pháp luật được xây dựng
trên một nền văn hóa méo mó, phi tự nhiên?



Phải khẳng định ngay rằng, một nền văn hóa phi tự nhiên chắc chắn sẽ dẫn đến một một hệ thống pháp luật phi tự nhiên. Vậy văn hóa ảnh hưởng như thế nào đến pháp luật?

Trước khi đi vào lý giải vấn đề, chúng tôi xin bắt đầu từ một nền văn hóa được hình thành và phát triển tự nhiên như chính cuộc sống của con người. Nền văn hóa đó, trước hết, là sản phẩm của tự do.


I. Văn hóa - Sản phẩm của tự do




Văn hóa, nhìn chung, hình thành từ sự tích lũy kinh nghiệm sống của một cộng đồng, một dân tộc, do đó, văn hóa chính là cuộc sống, nó có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống. Quá trình hình thành văn hóa là một quá trình tự nhiên và khách quan. Từ xưa đến nay, con người luôn sống và hành động theo những lẽ phải của tâm hồn mình, tức là nhận thức về "cái tất yếu", kết quả là tạo ra thành tựu. Những thành tựu đó, cùng với thời gian, đã kết tinh lại và trở thành văn hóa. Một nền văn hóa hình thành tự nhiên như vậy là một nền văn hóa lành mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cần phải thấy là, chất xúc tác cho quá trình hình thành của văn hóa không gì khác chính là tự do, vì nếu không có tự do thì đời sống tinh thần của con người không phát triển. Đời sống tinh thần của con người không phát triển thì không có đời sống văn hóa lành mạnh. Vậy tiêu chuẩn để phân biệt giữa một nền văn hóa lành mạnh và một nền văn hóa không lành mạnh
là gì? Đó chính là tính đa dạng tự nhiên của cuộc sống.


Chúng ta đều biết rằng, bản chất của cuộc sống chính là tính đa dạng tự nhiên và tự do là điều kiện quan trọng nhất để không chỉ đảm bảo mà còn phát huy tính đa dạng ấy. Tính đa dạng tự nhiên của cuộc sống tạo ra một sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khuynh hướngcủa
cuộc sống và sau khi trải qua quá trình sàng lọc một cách tự nhiên,
những khuynh hướng còn lại là những khuynh hướng hợp lý. Nếu con người áp đặt một khuynh hướng nào đó một cách tuyệt đối thì tức là đã tiêu diệt sự cạnh tranh giữa các khuynh hướng, cũng tức là tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống. Như vậy, một nền văn hóa lành mạnh là một nền văn hóa hình thành và phát triển một cách tự nhiên từ bản chất đa dạng của cuộc sống. Ngược lại, một nền văn hóa không lành mạnh là một nền văn hóa mà ở đấy người ta sử dụng công cụ nhà nước để áp đặt các giá trị.


Mặt khác, văn hóa thể hiện sự chấp nhận lẫn nhau và chấp nhận sự bình đẳng giữa các thành tố cấu tạo nên cuộc sống; nói cách khác, nếu không có sự chấp nhận lẫn nhau và bình đẳng giữa các thành tố cấu tạo ra cuộc sống thì không có văn hóa lành mạnh.
Trong quá trình đi đến sự chấp nhận đó chắc chắn không thể thiếu sự đấu tranh bình đẳng của các thành tố và do đó, văn hóa phản ánh cả tính xung đột và tính hòa hợp. Yếu tố đảm bảo sự hợp pháp của quá trình đấu tranh và hòa hợp giữa các yếu tố của cuộc sống không gì khác chính là tự do. Tự do đem lại cho con người sự phong phú về nhận thức và đến lượt mình, sự phong phú về nhận thức sẽ tạo ra sự đa dạng về khuynh hướng. Khi đó, trong một môi trường có sự bình đẳng giữa các khuynh hướng, con người được tự do nhận
thức và đi đến thỏa thuận. Hơn nữa, hết thảy những gì đẹp đẽ đều được
sáng tạo khi con người tự do, hay khi con người đạt đến trạng thái tự
do và chính những đóng góp đẹp đẽ đó của con người đã tạo ra nền văn hóa lành mạnh, với tư cách là sản phẩm của tự do.


Như vậy, rõ ràng ở đâu nền văn hóa có tính đa dạng, ở đâu mà sự tồn tại của các khuynh hướng của cuộc sống được tôn trọng, thì ở đó có tự do và khi đó, văn hóa là hệ quả của tự do. Văn hóa ấy hỗ trợ cuộc sống và chính là môi trường tinh thần của tất cả những gì còn lại của cuộc sống.


II. Nền văn hóa phi tự nhiên và những khuyết tật của nó




Một nền văn hóa hình thành tự nhiên, đảm bảo tính đa dạng tự nhiên luôn luôn là lý tưởng, nhưng trên thực tế không phải là không có những sự can thiệp, áp đặt của con người đối với văn hóa. Sự can thiệp đó, trên bất kỳ khía cạnh nào, cũng là phi tự nhiên vì khi đó, sự đa dạng tự nhiên của đời sống bị đơn giản hóa, thậm
chí tới mức phi lý. Khi con người bị áp đặt về nhận thức thì anh ta sẽ
phản ánh một cách đơn giản về cuộc sống. Sự phản ánh cuộc sống một cách đơn giản của con người bằng cả hành vi lẫn tư duy, đến lượt mình, tạo ra sự đơn giản của nền văn hóa hay tạo ra một nền văn hóa méo mó, phi tự nhiên.


Xin hãy lùi về lịch sử để thấy tính không chừng mực của con người khi ứng xử với văn hóa. Có thời, người ta sử dụng văn hóa như một công cụ chính trị, tức là họ tước bỏ yếu tố tự do trong văn hóa và thao túng nó cho những mục đích chính trị. Vì hơn ai hết, các nhà chính trị đều hiểu rõ rằng, văn hóa là công cụ điều chỉnh trên phạm vi rộng lớn nhất, tinh tế và mạnh mẽ nhất đối với nhận thức và ứng xử của con người. Chính vì vậy, họ luôn có tham vọng thao túng về mặt văn hóa để trên cơ sở đó, tạo ra tính ổn định trong hoạt động cầm quyền của mình. Tham vọng đó, thực ra, cũng có thể hiểu được vì đảng chính trị nào cũng tuyên truyền, phổ biến nhận thức chính trị của mình vào trong đời sống. Sự tuyên truyền trong trường hợp như vậy không
phải là không lành mạnh vì nó là đương nhiên. Tuy nhiên, người ta
chỉ có thể đi theo, cổ vũ hay ưu tiên một khuynh hướng chứ không thể
dành cho một khuynh hướng địa vị duy nhất bằng việc phủ nhận các khuynh
hướng khác
. Việc dành cho một khuynh hướng địa vị duy nhất sẽ làm
biến mất tính đa khuynh hướng, hay tính đa dạng tự nhiên của văn hóa, mà xét về bản chất, chính là tiêu diệt tính đa dạng của đời sống tinh thần của con người.

hực ra, về bản chất, con người không thể tiêu diệt tính đa dạng của cuộc sống hay nói đúng hơn là nếu tính đa dạng của cuộc sống bị tiêu diệt thì bản thân cuộc sống cũng không tồn tại nữa, hay là cuộc sống đã chết về mặt tinh thần. Do đó, nếu trong khi cuộc sống vẫn đa dạng, dẫu là sự đa dạng một cách bất hợp pháp, mà nền văn hóa không phản ánh được điều đó thì bản thân nền văn hóa đó không có giá trị. Giá trị của một nền văn hóa phi tự nhiên, nếu có chăng nữa, thì chính là bằng chứng của việc chính trị đã bóp méo văn hóa.


Nói về một nền văn hóa méo mó, phi tự nhiên không thể không nhắc đến những khuyết tật của nó. Đó là, một nền văn hóa méo mó biến con người trở nên đơn giản, đơn giản tới mức hết thảy mọi người đều giống nhau một cách phi lý vì phải tuân theo một khuôn mẫu định sẵn. Cũng chính nền văn hóa đó biến con người trở nên cực đoan, cực đoan tới mức trở thành nô lệ về mặt tinh thần cho một người hay một khuynh hướng nào đó. Nó tiêu diệt tính cá nhân trong con người bằng việc buộc con người phải tôn sùng chủ nghĩa tập thể một cách
tuyệt đối. Và còn nhiều khuyết tật khác nữa mà phạm vi bài viết này
khôngthể đề cập hết được.


Tuy nhiên, chúng ta có thể kết luận rằng, khuyết tật căn bản nhất của một nền văn hóa phi tự nhiên là tính đơn giản. Người ta đã lầm tưởng rằng, tính đơn giản đó có thể tạo ra tính ổn định trong nhận thức của con người và do đó, tạo ra tính ổn định cho hoạt động cầm quyền mà không nhận ra rằng, tính đơn giản đó đã làm chết cả một nền văn hóa, "nhổ rễ" cả một dân tộc ra khỏi “mảnh đất tinh thần” của nó và làm cho những dân tộc sở hữu những nền văn hóa phi tự nhiên đó trở thành những kẻ vất vưởng về mặt tinh thần. Nhưng, với tư cách là sản phẩm của cuộc sống, văn hóa mang trong mình một sức sống mãnh liệt, mãnh liệt đến mức không một tham vọng chính trị nào có thể tiêu diệt được. Chính vì vậy, khi tình hình thay đổi, các yếu tố văn hóa bị đè bẹp sẽ trỗi dậy và quay trở lại cuộc sống; hiện nay nó đang quay trở lại một cách mạnh mẽ với tất cả sự quá tải của nó; đó cũng chính là bằng chứng về sức sống tự nhiên, bền bỉ của văn hóa. Điều đó chứng tỏ, không thể và không bao giờ có cái chết của một nền văn hóa, mà chỉ có cái chết của một dân tộc về văn hóa hay về tinh
thần nếu chính trị tiếp tục can thiệp vào quá trình hình thành và phát
triển tự nhiên của văn hóa.



III. Hệ thống pháp luật phi tự nhiên - Hệ quả của nền văn hóa phi tự nhiên




Văn hóa chính là cuộc sống; do đó, khi làm biến dạng văn hóa, những người cầm quyền đã làm biến dạng cả cuộc sống. Hệ thống pháp luật, để có thể điều chỉnh được cuộc sống, cũng bị biến dạng theo; nói cách khác, để tương thích với một cuộc sống đã bị biến dạng thì bản thân pháp luật cũng phải méo mó và sự méo mó đáng sợ nhất của pháp luật chính là sự không thừa nhận quyền sở hữu của con người.


Chúng ta đều biết rằng, sở hữu là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của một xã hội văn minh, sở hữu cũng là quyền con người căn bản nhất. ở những nơi mà văn hóa bị thao túng, người ta không thừa nhận sở hữu tư nhân với hy vọng sẽ biến con người trở nên cao quý hơn vì không còn những tham vọng vật chất. Nhưng, họ đã lầm; họ đã không nhận ra rằng, loại bỏ sở hữu tư nhân chính là một trong những hành vi phá hoại mạnh nhất đời sống văn hóa của con người và rằng,khi tiêu diệt quyền sở hữu hay ý thức sở hữu của con người đối với những vật cụ thể, thì người ta đã đồng thời tiêu diệt cả ý thức sở hữu của con người đối với những tài sản tinh thần mà pháp luật là một trong số đó. Con người không cảm thấy mình là chủ sở hữu của pháp luật; con người ứng xử một cách thiếu chừng mực với pháp luật và dần dần, con người chà đạp lên cả những tài sản tinh thần của mình. ở những nơi này, tham nhũng, dưới nhiều hình thức, tồn tại ngang nhiên và có xu hướng ngày càng tinh vi hơn. Đó chính là
kết quả tất yếu của việc không thừa nhận sở hữu tư nhân. Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng, tham nhũng là sự suy đồi về đạo đức, nhưng theo chúng tôi, nếu coi tham nhũng như là biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức, thì tức là chúng ta đang đơn giản hóa tham nhũng và nếu tiếp tục với nhận thức như vậy thì chúng ta không thể khắc phục được tình trạng lan tràn của tham nhũng.


Hơn nữa, như đã phân tích trong phần trước, khuyết tật quan trọng nhất của nền văn hóa phi tự nhiên là tính đơn giản; chính nó đã tiêu diệt sự đa dạng của đời sống. Chính trong môi trường như vậy, cái chết về mặt tinh thần của con người đã tạo cơ hội cho sự lộng hành của một khuynh hướng đã được nhà cầm quyền lựa chọn và thậm chí, còn tạo ra nền văn hóa lộng hành. Sống trong môi trường đơn khuynh hướng ấy, một số người tưởng rằng mình đang hít thở bầu không khí tự do mà không nhận ra rằng, mình đang là nạn nhân của sự lộng hành, nạn nhân của sự độc quyền lẽ phải hay độc quyền chân lý. Một trong những công cụ mà các nhà cầm quyền dùng để tăng cường, kiểm soát con người trong môi trường ấy chính là luật pháp. Chỉ có
những hệ thống pháp luật méo mó mới bảo đảm cơ sở tồn tại hợp pháp của sự lộng hành; cũng chỉ có những hệ thống pháp luật méo mó mới bảo trợ cho những hành vi tham nhũng tinh thần
như vậy.Những hệ thống pháp luật như vậy, do bị cấy những yếu tố không có khả năng biến thành văn hóa, nên không chỉ tự mâu thuẫn với nhau mà còn mâu thuẫn với quá khứ và mâu thuẫn với năng lực thực hiện của xã hội.

Những phân tích trên cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa đến pháp luật. Tuy nhiên, sẽ là rất phiến diện nếu chúng ta không phân tích ảnh hưởng ngược lại của pháp luật đối với văn hóa. Với tư cách là công cụ điều chỉnh hành vi của con người, một hệ thống pháp luật méo mó sẽ tạo ra những hành vi méo mó. Tư duy cũng là một loại hành vi, và do đó, hệ thống pháp luật méo mó còn tạo ra cả những tư duy méo mó. Với thời gian, những hành vi và tư duy méo mó đó trở thành những thói quen méo mó và củng cố thêm cho nền văn hóa vốn đã
méo mó đó. Một dân tộc sở hữu cả nền văn hóa dị dạng lẫn hệ thống pháp luật méo mó như vậy là một dân tộc đã chết về mặt văn hóa hay chết về đời sống tinh thần.


IV. Hướng tới một hệ thống luật pháp tiên tiến

Những phân tích về một hệ thống pháp luật méo mó là hệ quả của một nền văn hóa phi tự nhiên cho thấy, một hệ thống pháp luật tiên tiến phải là một hệ thống pháp luật lành mạnh và được xây dựng trên một nền văn hóa lành mạnh. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, nền văn hóa lành mạnh ấy còn phải là một nền văn hóa mở. Vậy, làm thế nào để có được một hệ thống pháp luật tiên tiến như vậy?


1. Tự do - Tinh thần của pháp luật


Xã hội nào cũng cần pháp luật như một công cụ điều chỉnh hành vi của con người trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, nhưng trên thực tế, con người chịu sự điều chỉnh của văn hóa nhiều hơn là pháp luật vì con người luôn hành động theo tập quán, theo thói quen... Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp pháp luật được sử dụng để áp đặt hành vi của con người thì con người vẫn hành động theo thói quen, theo những kinh nghiệm văn hóa của mình, và do đó, họ vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là, pháp luật phải được xây dựng như thế nào để có thể biến thành văn hóa và đi vào cuộc sống của con người? Nếu
pháp luật không biến thành các giá trị văn hóa thì không có tác dụng
điều chỉnh hành vi của con người? Chúng tôi cho rằng, để làm được như vậy trước tiên cần phải hiểu tinh thần của pháp luật, đó chính là tự do.

Từ thời kỳ Khai sáng, các triết gia đã đi đến kết luận rằng, pháp luật là những khế ước xã hội, tức là kết quả của hoạt động thỏa thuận giữa con người với nhau và để tham gia bình đẳng vào quá trình thỏa thuận, con người cần phải có tự do. Nếu không có tự do thì con người không nhận thức được cuộc sống, do đó, không thỏa thuận được. Chúng ta đều biết rằng, tính phức tạp của cuộc sống chính là nguồn gốc của tính phong phú về văn hóa và tính thực tế của pháp luật. Người không nhận thức được cuộc sống là người không lường
hết được các tình huống của cuộc sống, do đó, không có đủ kinh nghiệm để tham gia vào quá trình thỏa thuận, là quá trình mà ở đó, người ta hy sinh những quyền tự do bản năng của mình và tạo ra những quyền tự do mang tính tự giác. Mặt khác, nếu không có đủ tự do thì con người sẽ vụng về khi thỏa thuận. Kết quả là, thay vì được lợi từ việc đóng góp phần tự do quý giá của mình, anh ta sẽ bị thua thiệt. Cảm giác về sự thua thiệt khi tham gia vào quá trình thỏa thuận sẽ khiến con người cảm thấy pháp luật, thay vì là công cụ bảo vệ quyền tự do của con người, lại là một thứ nhà tù vô hình đối với con người, hạn chế tự do của con người. Để tránh tình trạng như vậy, tự do buộc phải là điểm khởi đầu của mọi quá trình thỏa thuận và cũng chính vì như vậy mà tự do trở thành tinh thần của pháp luật.


Mặt khác, bản chất của cuộc sống là sự đa dạng, do đó, một hệ thống pháp luật chỉ có giá trị khi nó mang trong mình tính đa dạng của cuộc sống. Nếu tự do không phải là tinh thần của pháp luật thì pháp luật không thể chứa đựng trong nó tính đa dạng của cuộc sống. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, một hệ thống pháp luật sẽ trở nên không tương thích với cuộc sống khi nó không phải là kết quả của sự thỏa thuận mà là kết quả của việc áp đặt chủ quan của một người hay một nhóm người. Văn hóa chính là phổ rộng lớn nhất của pháp luật và không một hệ thống pháp luật nào ngoài văn hóa có đủ năng lực điều chỉnh tất cả các tình huống của cuộc sống. Chính vì vậy, kinh nghiệm văn hóa là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng pháp luật. Nếu pháp luật được xây dựng trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là thừa nhận cuộc sống chứ không áp đặt lên cuộc sống, thì tốc độ thâm nhập của
pháp luật vào trong cuộc sống sẽ nhanh hơn, khi đó việc tuân thủ pháp luật trở thành thói quen có chất lượng văn hóa của con người. Kinh nghiệm về việc xây dựng pháp luật ở các quốc gia phát triển chỉ ra
rằng, pháp luật càng gần với tập quán cũng như thói quen của con người, càng có chất lượng văn hóa bao nhiêu thì pháp luật càng dễ được chấp nhận bấy nhiêu. Điều đó hoàn toàn có thể lý giải được bởi nếu chúng ta không xây dựng pháp luật dựa trên những thói quen, thì con người sẽ cảm thấy hẫng hụt khi hành động ngược với thói quen. Hành động ngược với thói quen sẽ tạo ra thói quen mới, đến lượt mình, thói quen mới sẽ mâu thuẫn, phá vỡ các thói quen cũ và tạo ra mâu thuẫn trong các hành vi của con người. Nói cách khác, nếu pháp luật không được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm văn hóa thì nó sẽ chia rẽ con người thông qua việc chia rẽ hành vi của con người.


Cuối cùng, sở dĩ tự do là tinh thần của pháp luật còn bởi tự do là công cụ duy nhất có thể điều chỉnh tự do cá nhân trở thành tự do cộng đồng. Tự do cá nhân là phần sở hữu riêng của từng người còn tự do cộng đồng là quỹ tự do mà mọi người góp vào. Nếu không có các giá trị văn hóa thì ai điều chỉnh và kiểm soát quá trình góp tự do? Rõ ràng, góp tự do là kết quả của sự tự giác. Nếu không có sự giác ngộ về mặt văn hóa thì con người không tôn trọng các khế ước và tạo ra các vùng bất hợp pháp trong cuộc sống. Các vùng bất hợp pháp
trong cuộc sống vẫn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở
những nền văn hóa không lành mạnh, nơi pháp luật bất lực trong việc bảo vệ tự do của con người. Do vậy, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng bất lực của pháp luật chính là mở rộng sự giác ngộ về mặt văn hóa của con người.


2. Văn hóa mở - Điều kiện tiên quyết để hội nhập với pháp luật quốc tế


Một nền văn hóa mở, trước hết, cũng là sản phẩm của tự do. Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, mỗi một nền văn hóa, mỗi một quốc gia không thể tồn tại độc lập với thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là, mỗi nền văn hóa, hơn bao giờ hết phải luôn nâng cao năng lực hợp tác với các nền văn hóa khác, tức là nâng cao tính mở của chính mình. Sự mở của các nền văn hóa chính là nguồn gốc của trạng thái hòa bình giữa các dân tộc bởi khi con người hiểu biết và hiểu nhau thì sẽ tránh được rất nhiều sự va chạm. Chính vì vậy, xây dựng một nền văn hóa có tính mở chính là nâng cao năng lực tạo
ra đời sống hòa bình của nhân loại.


Xét trên khía cạnh hẹp hơn, đối với mỗi cộng đồng, tính mở về văn hóa sẽ góp phần nâng đỡ các cộng đồng lạc hậu đi qua những khó khăn về mặt nhận thức hay đi qua ngưỡng của sự chậm phát triển.Đã
đến lúc các cộng đồng văn hóa cá biệt phải nhận ra rằng, cơ hội của họ
chắc chắn sẽ đến từ việc nâng cao tính mở của nền văn hóa, vì mở cửa về văn hóa sẽ giúp một cộng đồng nâng cao năng lực thu nhận các giá trị tiến bộ và loại bỏ những gì lạc hậu và cản trở sự phát triển, cũng tức là nâng cao năng lực cạnh tranh của chính cộng đồng đó. Do đó, một nền văn hóa mở là cơ hội hội nhập vào cộng đồng quốc tế hay cơ hội phát triển của các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc lạc hậu.


Mặt khác, mở cửa về văn hóa sẽ tạo ra môi trường tinh thần cởi mở. Môi trường tinh thần cởi mở chính là môi trường nâng đỡ các hệ thống luật pháp tham gia vào quá trình hội nhập. Nếu tạo ra một hệ thống luật pháp không có năng lực hội nhập thì rõ ràng, chúng ta đang bảo vệ tính khu trú của cộng đồng. Chúng ta đều biết rằng, trong luật học có một ngành luật rất nổi tiếng và phức tạp - đó là Luật So sánh nhằm phiên dịch sự khác biệt của các quy định pháp luật của các cộng đồng, các quốc gia khác nhau. Trong thời kỳ trước những năm 50, Luật So sánh chỉ nhằm so sánh giữa các quốc gia nhưng đến nay, Luật So sánh còn phải so sánh cả các bộ luật quốc gia và các bộ luật quốc tế. Một lúc nào đó, khi sự chênh lệch phát triển giữa các quốc gia được giảm bớt thì những hoạt động quốc tế sẽ được quy định rất giống nhau ở các bộ luật. Khuynh hướng các điều luật trở nên giống nhau và tốc độ giống nhau của chúng, không nghi ngờ gì, sẽ bị chi phối bởi các giá trị mở của nền văn hóa. Việc thừa nhận các giá trị tự do, dân chủ cũng đồng nghĩa là người ta xây dựng luật dựa trên thỏa thuận của các thành viên của cộng đồng. Nếu là những thành viên của một cộng đồng lạc hậu thì không thể có những điều luật tiến bộ được. Do vậy, xây dựng một nền văn hóa mở chính là hạn chế tính lạc hậu của các cộng đồng dân tộc, để tạo ra khả năng có thể tiến đến các thỏa thuận tiến bộ cũng như khả năng hợp tác giữa các dân tộc.


Kết luận




Từ những phân tích trên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính văn hóa điều chỉnh hành vi của con người mạnh hơn cả pháp luật. Do đó, pháp luật hay mọi khế ước xã hội phải được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm văn hóa chứ không phải chỉ là những kinh nghiệm pháp lý. Để xây dựng một hệ thống pháp luật với tinh thần như vậy, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận tính đa dạng tự nhiên của cuộc sống và đảm bảo tính đa khuynh hướng của
văn hóa. Đó là một nền văn hóa lành mạnh - nền tảng của một hệ thống pháp luật lành mạnh. Nhưng, trên hết thảy, cần phải ý thức được rằng, văn hóa và pháp luật lành mạnh đều phải hướng tới bảo vệ các giá trị tự do của con người. Chỉ khi làm được như vậy, con người mới đạt đến trạng thái phát triển thực sự.
Admin
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 58
Join date : 10/12/2010
Age : 31
Đến từ : ĐH Công đoàn

http://sinhvienluatcd.net/

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết