https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!

Join the forum, it's quick and easy

https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!
https://svlwcd.forumvi.com/
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật

2 posters

Go down

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật Empty Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật

Bài gửi  Admin Sun Dec 12, 2010 4:58 pm


Với những đặc thù riêng, chính sách và pháp luật tác động đến đời sống xã hội theo các mức độ khác nhau, nhưng chúng có mối quan hệ gắn kết, phối hợp, hỗ trợ cho nhau cùng phát huy tác dụng đối với các hoạt động kinh tế – xã hội. Từ thực tiễn Việt Nam, tác giả đề cập đến nội dung nêu trên và liên hệ đến việc đổi mới quy trình lập pháp của Quốc hội
Khái quát về pháp luật và chính sách
Pháp luật là những quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, do Nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục luật định nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh của Nhà nước. Pháp luật một mặt hướng dẫn, điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội phù hợp với nhu cầu của xã hội, mặt khác, hướng đến ý thức tình cảm làm cho mô hình hành vi đọng lại trong ý thức của con người. Pháp luật mang tính bắt buộc chung cho tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức nhằm mục đích ngăn ngừa, răn đe, trừng phạt những hành vi sai trái, giáo dục, cảm hoá những người có hành vi này, bồi dưỡng cho mọi người tinh thần, ý thức làm chủ xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững… Pháp luật điều chỉnh những mối quan hệ xã hội chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại.
Chính sách là những cách thức tác động của Nhà nước vào các lĩnh vực của đời sống xã hội để đạt được mục tiêu định hướng. Chính sách điều chỉnh những quan hệ ít mang tính ổn định, mềm dẻo, linh động. Chính sách có tác động nhanh và kịp thời, mạnh mẽ, toàn diện đến cả nhận thức, thái độ và hành vi của các chủ thể bị tác động. Đặc biệt, chính sách điều chỉnh động cơ, tạo động lực cho hành vi, hoạt động của các cá nhân và từng nhóm đối tượng cụ thể. Chính sách có vai trò định hướng cho các hoạt động kinh tế – xã hội; khuyến khích các hoạt động kinh tế – xã hội theo định hướng; phát huy những mặt tốt của nền kinh tế thị trường và hạn chế những tiêu cực của nó; tạo lập sự cân đối trong phát triển; kiểm soát và phân phối nguồn lực cho quá trình phát triển; tạo lập môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế – xã hội, giúp cho các thực thể vận động phát triển theo đúng quy luật; phối hợp hoạt động giữa các cấp độ, các bộ phận để tạo nên tính hệ thống chặt chẽ trong quá trình vận động của thực thể.
Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật
Vai trò của chính sách đối với pháp luật
Thứ nhất, chính sách bao giờ cũng đi trước pháp luật, mang tính định hướng và là nền tảng để xây dựng pháp luật: chính sách phản ánh một cách trung thực, khách quan điều kiện kinh tế – xã hội tại thời điểm cụ thể và dự báo xu thế, khả năng phát triển trong tương lai. Nếu chính sách không làm tốt vai trò này thì việc thể chế hoá các chính sách thành các quy phạm pháp luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật sẽ không có tính khả thi, hoặc kìm hãm sự phát triển của các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, các nhà hoạch định chính sách phải là người có khả năng đúc kết thực tiễn và dự báo tương lai.
Thứ hai, chính sách có tính ổn định tương đối để pháp luật có điều kiện đi vào thực tế cuộc sống vì pháp luật luôn hướng tới mục tiêu chung, thống nhất nên trong mỗi giai đoạn nhất định, pháp luật có tính đồng bộ và ổn định. Điều này có nghĩa, khi một chính sách có quá nhiều thay đổi hoặc không có những lộ trình cụ thể sẽ gây khó khăn, phức tạp cho việc xây dựng và thực thi pháp luật. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách phải tính toán thời gian, điều kiện áp dụng để đưa chính sách vào cuộc sống. Đồng thời, họ phải là những người có khả năng chia việc thực thi chính sách thành các giai đoạn khác nhau với các mục tiêu và lộ trình cụ thể, tránh những bất lợi cho quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Thứ ba, chính sách là một trong các nguồn tạo ra những thể chế pháp luật mới. Hay nói cách khác, do chính sách là công cụ thể hiện thái độ chính trị của Đảng lãnh đạo để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra theo định hướng, nên pháp luật được ban hành cùng các quy định cụ thể cho mỗi loại quan hệ. Thông thường, sau khi Nhà nước ban hành chính sách mới trên cơ sở định hướng chính sách của Đảng, chính sách này được thực thi thông qua việc cụ thể hoá thành các quy phạm pháp luật. Như vậy, một chính sách mới được ban hành đồng thời tạo nên một lĩnh vực điều chỉnh mới của hệ thống pháp luật. Ví dụ, khi Nhà nước ban hành chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật được hình thành mới hoặc được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chính sách như Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư nước ngoài; Luật Doanh nghiệp nhà nước; Luật Hợp tác xã; Luật Phá sản doanh nghiệp, các sắc luật thuế v,v...
Vai trò của pháp luật đối với chính sách
Thứ nhất, pháp luật là căn cứ xây dựng chính sách, là công cụ để cụ thể hoá và thực thi chính sách. Chính sách có tính linh hoạt và thích nghi với thực tế xã hội cao hơn pháp luật nhưng không thể tồn tại và phát huy tác dụng nếu thiếu pháp luật bởi hệ thống pháp luật tạo nên khuôn khổ pháp lý quy định và điều chỉnh tất các các quan hệ xã hội. Chính sách do Nhà nước ban hành phải căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành và về nguyên tắc không được trái với các quy định của pháp luật. Do đó, không thể xây dựng chính sách có hiệu quả và khả thi khi không nắm được tất cả những quy định pháp luật đang điều chỉnh lĩnh vực liên quan đến chính sách đó.
Ví dụ: Điều 5, Hiến pháp năm 1992 quy định “Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”. Từ quy định này, nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được hoạch định và thực thi như chương trình 135, 137 và các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao dân trí, trình độ cho đồng bào…
Thứ hai, pháp luật phản ánh các chính sách ở điểm cân bằng. Điều này có nghĩa, do đặc trưng của pháp luật là điều chỉnh các mối quan hệ chủ yếu, cơ bản mang tính ổn định và được lặp đi lặp lại, do đó nếu không tìm ra được điểm cân bằng và tương đối ổn định thì chính sách khó có thể cụ thể hoá thành pháp luật.
Thứ ba, pháp luật được ban hành và đi vào cuộc sống sẽ giúp các quan hệ xã hội diễn ra có trật tự theo định hướng thống nhất với các chính sách hiện hành. Quá trình thực thi pháp luật giúp các đối tượng có ý thức chấp hành các quy định chung, trên cơ sở đó nêu cao tinh thần chấp hành chính sách một cách tự giác.
Tác động qua lại của chính sách và pháp luật
Thứ nhất, pháp luật đôi khi cản trở việc hoạch định và thực thi chính sách mới. Về nguyên tắc, khi hoạch định chính sách phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách có thể bị cản trở khi pháp luật chứa đựng trong bản thân nó những yếu tố không bền vững, thiếu tính khả thi và thường xuyên thay đổi.
Thứ hai, hoạch định chính sách mới cũng thách thức sự nhất quán, không mâu thuẫn của hệ thống pháp luật quốc gia, nhất là khi hệ thống chính sách thiếu nhất quán, mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau giữa các chính sách chung của quốc gia hoặc giữa các chính sách của quốc gia với các chính sách cụ thể của từng địa phương… Ví dụ: chính sách nhập khẩu xe gắn máy của cơ quan nhà nước ở trung ương không phù hợp với chính sách điều tiết, quản lý cơ sở hạ tầng giao thông của các địa phương nên buộc nhiều địa phương, nhất là những thành phố lớn, điển hình là Hà Nội phải thực thi biện pháp dừng đăng ký xe máy mới… Khi đó, nếu tiếp tục hoạch định chính sách mới và cụ thể hoá nó thành pháp luật sẽ khó có thể thực hiện được trong môi trường pháp luật này.
Thứ ba, nếu pháp luật tốt thì mục tiêu chính sách có thể được đề cao hơn so với hệ thống biện pháp, hoặc chỉ cần hoạch định những biện pháp mềm dẻo nhưng chính sách vẫn có tính khả thi và hiệu quả cao.
Phát huy mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật trong hội nhập
Từ những phân tích trên cho thấy, chính sách và pháp luật gắn bó biện chứng chặt chẽ với nhau, có mối quan hệ nhân quả và chế ước lẫn nhau.
Trong xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, nhất là chuẩn bị cho việc gia nhập WTO, một trong những yêu cầu không thể thiếu được của Việt Nam là phải hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật. Đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật vì những phân tích trên đã khẳng định vai trò của chính sách đối với việc xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật. Thiết nghĩ, các nhà hoạch định chính sách và pháp luật nên thực hiện song song một số giải pháp sau:
Yêu cầu đối với hoạch định chính sách
- Coi trọng việc tập hợp các thông tin pháp luật liên quan đến việc hoạch định các chính sách để tránh mâu thuẫn, chồng chéo và để các văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng trên nền tảng hệ thống chính sách tương đối ổn định.
- Quan tâm đến sự hài hoà các lợi ích bằng việc dự liệu các tác động trước mắt và ảnh hưởng lâu dài của chính sách đối với bản thân đối tượng được thụ hưởng và với toàn xã hội trên cơ sở tính toán cụ thể các biện pháp nhằm giảm thiểu việc gây mâu thuẫn, xung đột xã hội do chính sách chỉ đáp ứng lợi ích cho một bộ phận xã hội.
- Quan tâm đến việc bảo đảm đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chính sách để đạt được mục tiêu chính sách. Ví dụ, chính sách khuyến khích cán bộ, công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp do chỉ chú ý khuyến khích bằng vật chất và tinh thần cho đối tượng được thụ hưởng, mà không quan tâm đến các yếu tố khác nên trên thực tế cũng không đạt được mục tiêu, vì cán bộ, công chức không được học theo nhu cầu của bản thân về kỹ năng nghề nghiệp cần thiết mà buộc phải học theo chương trình sẵn có của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Những chương trình này có nhiều nội dung trùng với những chương trình khác mà họ đã được đào tạo, bồi dưỡng.
- Tính đến mặt trái của chính sách, bảo đảm không để chính sách bị lợi dụng. Việc tính toán không chỉ giúp hạn chế những thiệt hại về vật chất mà còn cả những thiệt hại về tinh thần, trong đó quan trọng nhất là niềm tin của nhân dân vào chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là trong quá trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
- Tính toán thời điểm công bố chính sách, nhất là những chính sách mang tính nhạy cảm đến lợi ích của người dân. Trong trường hợp cần thiết nên tiến hành các hoạt động thăm dò phản ứng và dư luận xã hội trước khi công bố.
Đổi mới và hoàn thiện quy trình lập pháp của Quốc hội
Phân tích và quyết định chính sách trước khi bắt tay vào việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề này cần được làm mạnh và triệt để hơn để có cái nhìn tổng thể, lựa chọn được những giải pháp tối ưu, bước đi thích hợp cho vấn đề mà thực tế cuộc sống đặt ra. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhiều vấn đề thuộc về chủ trương, chính sách không được làm rõ dẫn đến việc phải làm đi làm lại nhiều lần gây tốn kém về thời gian, công sức, chi phí và nảy sinh tình trạng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình ra Quốc hội còn ý kiến băn khoăn về đối tượng, phạm vi điều chỉnh, sự cần thiết có nên ban hành văn bản quy phạm pháp luật đó hay không…
Đào tạo kỹ năng xây dựng chính sách và pháp luật
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng là những người tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật. Bên cạnh thuận lợi đó có những khó khăn trong việc phân định ranh giới giữa vấn đề chính sách và quy định của pháp luật. Do đó, cần phải tăng cường đào tạo kỹ năng xây dựng chính sách và pháp luật ở các trường đào tạo chuyên ngành. Hiện nay, phần lớn những người hoạch định chính sách và pháp luật thực thi nhiệm vụ trên cơ sở kinh nghiệm và quá trình học tập không bài bản, nên dẫn đến những bất cập của chính sách và pháp luật làm cho những quy định trên văn bản khó phát huy được tác dụng và hiệu quả thực tế, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn.
Để thực hiện có hiệu quả quyền hành pháp và tư pháp, Nhà nước đã thành lập Học viện Hành chính quốc gia, Học viện Tư pháp, Trường Cao đẳng kiểm sát, Trường Bồi dưỡng thẩm phán. Nên chăng, trong một tương lai gần nước ta sẽ hình thành Trường Đào tạo kỹ năng lập pháp để đào tạo đội ngũ cán bộ lập pháp chuyên nghiệp, đồng thời, tháo gỡ được khó khăn cho các đại biểu dân cử hiện nay trong việc tham gia xây dựng pháp luật. /.


(Bài viết đăng trên TCNCLP số 53, tháng 6/2005)




Admin
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 58
Join date : 10/12/2010
Age : 31
Đến từ : ĐH Công đoàn

http://sinhvienluatcd.net/

Về Đầu Trang Go down

Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật Empty Re: Mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật

Bài gửi  luongxh13b Sun Dec 12, 2010 5:30 pm

Rolling Eyes Rolling Eyes

luongxh13b

Tổng số bài gửi : 6
Join date : 11/12/2010
Age : 31
Đến từ : nghe an

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết