https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!

Join the forum, it's quick and easy

https://svlwcd.forumvi.com/
Chào mừng bạn đã ghé thăm diễn đàn! Chúc bạn có một ngày hạnh phúc!
https://svlwcd.forumvi.com/
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vi phậm hành chính và tội phạm

Go down

Vi phậm hành chính và tội phạm Empty Vi phậm hành chính và tội phạm

Bài gửi  thuong2dt Sun Sep 04, 2011 1:28 pm

Cần phân biệt Vi phạm hành chính và tội phạm

Những điểm chung giữa vi phạm hành chính và tội phạm
Yêu cầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi phải thiết lập chế độ trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và công dân. Để làm được điều này, trên phương diện khoa học pháp lý, trước hết cần phải làm rõ tính chất đặc thù của các loại vi phạm pháp luật.
Vi phạm pháp luật hiện nay xảy ra trên nhiều lĩnh vực: hành chính, dân sự, hình sự, kinh tế, lao động, môi trường… giữa các loại vi phạm pháp luật việc phân biệt chúng dựa vào đặc điểm và các yếu tố cấu thành của từng loại vi phạm. Trong các loại vi phạm pháp luật này thì vi phạm hành chính và tội phạm là 2 dạng phổ biến nhất của vi phạm pháp luật, giữa chúng có mối quan hệ mật thiết, trong nhiều trường hợp có thể chuyển hoá cho nhau.
Luật hành chính và luật hình sự nước ta quy định về vi phạm hành chính và tội phạm. Mặc dù là 2 loại vi phạm pháp luật khác nhau, nhưng vẫn có những điểm chung. Việc nghiên cứu những điểm chung của hai loại vi phạm này có ý nghĩa trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cũng như góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Theo chúng tôi, vi phạm hành chính và tội phạm có những điểm chung sau đây:
1. Vi phạm hành chính và tội phạm đều là vi phạm pháp luật
Cơ sở của vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật của các chủ thể. Nguyên nhân chủ yếu của vi phạm pháp luật là sự mâu thuẫn giữa yêu cầu của quy phạm pháp luật do nhà nước đặt ra với lợi ích của người vi phạm, tức chủ thể của hành vi. Mâu thuẫn đó mang tính chất xã hội, bởi vì cả qui phạm pháp luật và chủ thể hành vi đều có tính xã hội.
Các hành vi vi phạm pháp luật tuy có thể khác nhau về mức độ vi phạm và mức độ của hậu quả do hành vi gây ra, nhưng chúng có điểm chung nhất đó là tính chất xã hội – là những thiệt hại, tổn thất về những mặt khác nhau đối với lợi ích của giai cấp, nhóm xã hội nói riêng và của cả xã hội nói chung. Xuất phát từ những lợi ích của mình mà Nhà nước đã định ra những qui phạm pháp luật.
Cơ sở của vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Song nếu chỉ dừng lại ở đó thì chưa phản ánh đầy đủ được khái niệm vi phạm pháp luật, bởi không phải bất cứ hành vi trái pháp luật nào cũng là hành vi vi phạm pháp luật mà chỉ những hành vi trái pháp luật được chủ thể có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân hay tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm tới các quy tắc quản lý Nhà nước, làm mất trật tự, ổn định đối với các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực trật tự nhà nước và xã hội; sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân; quyền, tự do, lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự quản lý nhà nước và xã hội, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và phải chịu xử phạt vi phạm hành chính [4, tr. 363ư364].
Từ định nghĩa này, vi phạm hành chính có các dấu hiệu cơ bản sau:
+ Là hành vi thể hiện bằng hành động hoặc không hành động;
+ Là hành vi trái pháp luật;
+ Là hành vi có lỗi ( cố ý hoặc vô ý);
+ Là hành vi mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính, tức là bị áp dụng chế tài theo quy định của luật hành chính. Đây là một đặc điểm riêng có của vi phạm hành chính.
Pháp luật hành chính không quy định một hành vi thực tế là hành vi vi phạm hành chính thì người thực hiện hành vi đó không thể bị xử phạt hành chính. Hay nói cách khác, một vi phạm nào đó xét về hình thức tuy có đầy đủ dấu hiện của vi phạm hành chính nhưng pháp luật hành chính chưa quy định đó là hành vi vi phạm hành chính thì về mặt pháp lý nó chưa phải là vi phạm hành chính.
Dấu hiệu bắt buộc trên có ý nghĩa thực tiễn, nó đòi hỏi người có quyền xử lý vi phạm hành chính chỉ được căn cứ vào quy định của pháp luật, không được áp dụng theo nguyên tắc tương tự. Có như vậy mới tránh được sự xử lý tuỳ tiện, bảo đảm pháp chế.
Tóm lại, vi phạm hành chính là hành vi phải hội đủ bốn dấu hiệu cơ bản kể trên, thiếu một trong những dấu hiệu đó thì chưa thể nói tới vi phạm hành chính.
Đối với tội phạm, mỗi hành vi vi phạm pháp luật hình sự đều được qui định trong Bộ luật hình sự. Tội phạm được qui định trong Điều 8 Bộ luật hình sự 1999: “là hành vi nguy hiểm cho xã hội được qui định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tự do tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa“. Theo khái niệm này, tội phạm được đưa ra với đầy đủ các dấu hiệu của nó là:
- Là hành vi nguy hiểm cho xã hội;
- Do người có năng lực, trách nhiệm hình sự và đạt đến một độ tuổi nhất định thực hiện;
- Được thực hiện do cố ý hoặc vô ý (có lỗi);
- Tội phạm được qui định trong Bộ luật hình sự;
- Người phạm tội phải bị xử phạt theo quy định của luật hình sự.
Như vậy, định nghĩa tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự Việt Nam xác định tội phạm theo khái niệm đầy đủ. Tội phạm được qui định là hành vi nguy hiểm cho xã hội, tức hành vi gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại (tức là xâm hại) cho các quan hệ xã hội nhất định. Hơn nữa, tính nguy hiểm của hành vi mang tính xã hội hay không luôn luôn phải được xem trong trạng thái động của nó, tuỳ theo sự biến đổi của cơ sở kinh tế – xã hội. Bởi vì, một hành vi có thể trong giai đoạn phát triển xã hội này là nguy hiểm nhưng ở giai đoạn khác thì ngược lại. Việc đánh giá hành vi này hay hành vi khác có nguy hiểm hay không, có phải là tội phạm hay không, được thực hiện bằng hai quá trình song song: tội phạm hoá và phi tội phạm hoá bằng cách sửa đổi, bổ sung luật hình sự.
Tóm lại, xuất phát từ cơ sở đều là các dạng khác nhau của vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính và tội phạm có những điểm chung sau:
a) Vi phạm hành chính và tội phạm đều là hành vi, nó chỉ được thực hiện bởi hành vi của con người. Suy nghĩ, tư tưởng khi chưa thể hiện thành hành vi thì dù xấu đến đâu cũng chưa phải là vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm hành chính và tội phạm nói riêng.
b) Vi phạm hành chính và tội phạm đều là hành vi trái pháp luật, tức là trái với yêu cầu cụ thể của pháp luật hay trái với tinh thần của pháp luật. Đã là hành vi trái pháp luật thì dù là vi phạm hành chính hay tội phạm đều là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Sự khác nhau giữa chúng chỉ là ở mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
c) Vi phạm hành chính và tội phạm đều được thực hiện bởi hành vi có lỗi của các chủ thể.
d) Vi phạm hành chính và tội phạm đều là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được pháp luật quy định chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (vi phạm hành chính và tội phạm khác với các vi phạm đạo đức và vi phạm tôn giáo ở chỗ vi phạm đạo đức và vi phạm tôn giáo không dược pháp luật quy định). Chủ thể thực hiện vi phạm hành chính và tội phạm đều bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước, việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đều dựa trên cơ sở, trình tự do pháp luật quy định.
đ) Những vi phạm hành chính và tội phạm được thực hiện trong điều kiện: phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và sự kiện bất ngờ, theo quy định của pháp luật hành chính và hình sự, đều được miễn truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người thực hiện hành vi vi phạm đó.
2. Vi phạm hành chính và tội phạm có những khách thể chung
Giữa vi phạm hành chính và tội phạm giống nhau ở chỗ có những khách thể chung. Khách thể vi phạm pháp luật là những quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ. Điều đó có nghĩa chỉ có những quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ mới là khách thể của vi phạm pháp luật, không được quy phạm pháp luật điều chỉnh thì quan hệ xã hội tương ứng không thể trở thành khách thể của vi phạm pháp luật.
Những quan hệ xã hội được pháp luật hành chính bảo vệ nhưng bị xâm phạm tới, gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại là khách thể của vi phạm hành chính. Những quan hệ xã hội đó không chỉ là quan hệ hành chính mà còn nhiều quan hệ pháp luật thuộc ngành luật khác bảo vệ nhưng vẫn bị xử lý hành chính. Nói một cách khái quát hơn, khách thể của vi phạm hành chính là cái mà vi phạm hành chính xâm hại tới, là cái mà pháp luật hướng tới để bảo vệ khỏi sự xâm phạm. Cái đó là những quan hệ xã hội khách quan chứ không phải là các quy tắc được đặt ra.
Vi phạm hành chính diễn ra ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cho nên khách thể của vi phạm hành chính rất đa dạng, phức tạp, được quy định trong rất nhiều văn bản pháp luật. Khách thể đó là các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực: An ninh quốc gia, trật tự nhà nước và xã hội, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự quản lý nhà nước. Ví dụ, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không; bảo vệ môi trường, tài nguyên, thiên nhiên, khoáng sản; bảo vệ sức khỏe của con người tránh các bệnh truyền nhiễm từ người, động vật, thực vật; trong kinh doanh như phòng chống buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, sử dụng nhãn hiệu hàng giả v.v..
Như vậy, không phải mọi quan hệ xã hội đều có thể là khách thể của vi phạm hành chính, mà chỉ những quan hệ xã hội nào được pháp luật hành chính bảo vệ bằng các biện pháp trách nhiệm hành chính. Những quan hệ xã hội nào không được luật hành chính bảo vệ thì không trở thành khách thể của vi phạm hành chính mà có thể là khách thể của tội phạm hoặc vi phạm pháp luật khác.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa ban hành luật hình sự nhằm bảo vệ những quan hệ xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và trật tự xã hội. Những quan hệ xã hội được Nhà nước xác định bảo vệ bằng các quy phạm pháp luật hình sự là khách thể của tội phạm.
Những hành vi nhất định của con người bị Nhà nước coi là tội phạm vì chúng gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Một quan hệ xã hội nào đó bị xâm hại nhưng không được nhà nước xác định bảo vệ bằng các quy phạm pháp luật hình sự thì không phải là khách thể của tội phạm và hành vi xâm hại nó không bị coi là tội phạm.
Khách thể của tội phạm là yếu tố không tách rời của tội phạm, tội phạm bao giờ cũng xâm hại đến một loại hoặc một số quan hệ xã hội được Nhà nước xác định bảo vệ bằng luật hình sự. Khái niệm khách thể của tội phạm chỉ rõ bản chất giai cấp của luật hình sự, bất cứ nhà nước nào cũng sử dụng luật hình sự để bảo vệ những quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích và nền thống trị của giai cấp cầm quyền, những hành vi xâm hại đến các quan hệ ấy bị nhà nước tuyên bố là tội phạm. Khách thể của tội phạm còn là một căn cứ phân biệt tội phạm với những hành vi không phải là tội phạm. Nghiên cứu khách thể của tội phạm chúng ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ của luật hình sự, bản chất của tội phạm,giúp chúng ta nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ của luật hình sự, bản chất của tội phạm. Trong phần các tội phạm của luật hình sự, khách thể của tội phạm là căn cứ quan trọng nhất để phân loại tội phạm, hệ thống các quy phạm quy định các tội phạm thành các chương, mục.
Như vậy, khách thể của vi phạm hành chính và tội phạm được các văn bản pháp luật hành chính và hình sự quy định một cách cụ thể, chặt chẽ. Nói đến khách thể của vi phạm hành chính và tội phạm là chúng ta nói đến các quan hệ xã hội được hai ngành luật hành chính và hình sự bảo vệ. Bên cạnh, những khách thể đặc thù giữa vi phạm hành chính và tội phạm còn có những khách thể chung, khách thể chung cũng là một tiêu chí chứng tỏ sự giống nhau của hai loại vi phạm.
Từ nhận thức chung về khách thể của vi phạm hành chính và tội phạm. Trên cơ sở những quy định của pháp luật hành chính và luật hình sự chúng ta có thể nhận thấy rằng, giữa vi phạm hành chính và tội phạm có những khách thể chung. Chẳng hạn, an ninh quốc gia, chế độ kinh tế, sở hữu, tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, trật tự quản lý Nhà nước và xã hội… đều là khách thể chung của vi phạm hành chính và tội phạm. Chính vì điều đó, trong hoạt động áp dụng pháp luật, để xác định một hành vi vi phạm pháp luật có chung cùng một khách thể là vi phạm hành chính hay tội phạm, thì phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
3. Về chủ thể
Chủ thể của vi phạm hành chính và tội phạm có thể cùng là cá nhân thực hiện vi phạm pháp luật. Hành vi trái pháp luật có lỗi mới là vi phạm pháp luật, vì vậy, chủ thể của vi phạm pháp luật phải là người có năng lực hành vi. Năng lực hành vi là khả năng của chủ thể, khả năng này được nhà nước thừa nhận, bằng các hành vi của mình thực hiện trên thực tế các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý, tức là tham gia vào các quan hệ pháp luật [2, tr.104]. Năng lực hành vi trách nhiệm pháp lý của con người phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khoẻ (có bị bệnh làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức về hành vi của mình hay không) và tuỳ theo từng loại trách nhiệm pháp lý mà được pháp luật qui định cụ thể. Theo quy định của pháp luật hành chính và hình sự nước ta, chủ thể vi phạm hành chính và tội phạm đều phải đạt độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên mà trí tuệ phát triển bình thường.
Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt đối với những vi phạm hành chính thực hiện do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Tương tự như vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 của nước ta cũng quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tại Điều 12 như sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Từ những vấn đề trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy chủ thể – cá nhân vi phạm hành chính và tội phạm có chung độ tuổi chịu trách nhiệm về hành vi do mình gây ra. Việc quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hành chính và hình sự thể hiện chính sách hành chính và hình sự nhân đạo của nhà nước ta đối với người phạm tội ở tuổi chưa thành niên.
4. Về quan hệ trách nhiệm
Đây không phải là điểm chung của vi phạm hành chính và tội phạm, mà là điểm chung của trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự, nhưng có liên quan mật thiết đến điểm chung giữa vi phạm hành chính và tội phạm, nên cũng được xem xét.
Nghiên cứu về trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự, chúng ta thấy rằng chủ thể thực hiện vi phạm hành chính hoặc tội phạm phải chịu trách nhiệm trước nhà nước chứ không phải trước phía bên kia như trong vi phạm dân sự, lao động, kinh tế…
Trách nhiệm hành chính và hình sự đều là sự áp dụng chế tài của nhà nước đối với người vi phạm. Việc xử lý vi phạm hành chính và tội phạm có điểm nổi bật ở chỗ giữa người xử lý và người bị xử lý không có quan hệ trực thuộc về mặt công vụ, chẳng hạn giữa người đi xe máy vào đường ngược chiều với chiến sĩ cảnh sát giao thông giải quyết vụ việc vi phạm trên; hoặc giữa thẩm phán chủ toạ phiên toà với bị cáo phạm tội giết người, không có quan hệ trực thuộc. Vi phạm hành chính và tội phạm không giống với vi phạm kỷ luật ở chỗ giữa người vi phạm kỷ luật và người xử lý vi phạm có quan hệ trực thuộc về mặt công vụ, ví dụ giữa Hiệu trưởng trường đại học với giáo viên của trường thực hiện vi phạm kỷ luật có quan hệ trực thuộc về công vụ.
Trách nhiệm hành chính và hình sự đều không áp dụng đồng thời với nhau đối với cùng một hành vi vi phạm. Điều đó có nghĩa một người thực hiện một hành vi vi phạm hành chính hoặc tội phạm, thì người có thẩm quyền xử lý vi phạm chỉ có quyền áp dụng một trong hai hình thức trách nhiệm pháp lý hoặc là hành chính hoặc là hình sự mà thôi. Nhưng cả kèm theo trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự, hoặc trách nhiệm kỷ luật và trách nhiệm vật chất.
Đây cũng là nét chung độc đáo của hai dạng trách nhiệm hành chính và hình sự. Chúng được áp dụng độc lập với nhau, loại trừ nhau để đảm bảo một nguyên tắc nhân đạo của pháp luật: Một hành vi vi phạm chỉ có thể bị xử phạt một lần. Đối với việc áp dụng kèm theo các trách nhiệm dân sự hoặc trách nhiệm kỷ luật và vật chất, có thể giải thích rằng vì trong trường hợp đó vi phạm hành chính hoặc tội phạm đã gây ra một vi phạm mới trong quan hệ khác: quan hệ dân sự hoặc quan hệ công vụ.
Pháp luật hành chính và hình sự nước ta cũng quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002) và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 23 Bộ luật hình sự năm 1999). Tuy quy định của pháp luật về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính và hình sự có khác nhau, song đều đó cho chúng ta thấy giữa vi phạm hành chính và tội phạm có điểm chung ở chỗ người thực hiện hành vi vi phạm sẽ không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý khi thời hiệu truy cứu đối với mỗi loại vi phạm ấy không còn.
Tóm lại vi phạm hành chính và tội phạm là các dạng của vi phạm pháp luật nói chung. Tuy chúng có những nét đặc thù riêng nhưng bên cạnh đó chúng có những điểm chung nhất định dẫn đến việc phân biệt một số loại vi phạm pháp luật liên quan đồng thời đến vi phạm hành chính và tội phạm hết sức khó khăn đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện pháp luật cũng như nâng cao chất lượng cán bộ.
Tài liệu tham khảo :
1. Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999.
2. Cưỡng chế hành chính Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội, 1996.
3. Giáo trình Luật hành chính Việt Nam, Khoa Luật Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997.
4. Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
5. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.


thuong2dt

Tổng số bài gửi : 26
Join date : 16/02/2011

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết